Thay xăng dầu bằng cồn nhiên liệu???

Đăng bởi NGUYỄN KIM NGÂN vào lúc 25/03/2022

Cồn còn được gọi là ethanol - là một loại nhiên liệu chiết xuất từ nguyên liệu thực vật được Henry T. Ford, cha đẻ của ngành công nghiệp ôtô hiện nay, sử dụng vận hành chiếc xe hơi đầu tiên của ông, chiếc Quadricycle vào năm 1908.

Theo Ford thì cồn là “nhiên liệu của tương lai” và là loại nhiên liệu tái tạo khả thi nhất cho ngành công nghiệp ôtô vừa mới ra đời lúc bấy giờ. Nhưng vào đầu thế kỷ 20, ngành công nghiệp lọc dầu phát triển nhanh chóng, đưa xăng chiếm vị trí hàng đầu của cồn. Nhờ giá rẻ, khối lượng cung cấp lớn và nhiều tiện lợi khác xăng đã dần dần đẩy cồn ra khỏi thị trường nhiên liệu ôtô. Hiện nay, do giá dầu cao nên ở nhiều nước vị trí của cồn đang được phục hồi, và nhiên liệu này được xem là một hướng ưu tiên trong chính sách phát triển nhiên liệu tái tạo.

Ở Mỹ, trong tháng 6-2006, Bill Ford, cháu của Henry Ford, cùng các ông chủ của các hãng xe khổng lồ của Mỹ như General Motors, Chrysler đã cùng với Tổng thống Bush thảo luận tìm giải pháp để cồn được dùng nhiều hơn trong ngành vận tải, cụ thể là yêu cầu chính phủ cung cấp tài chính để xây dựng hệ thống phân phối cồn nhiên liệu trên toàn Liên bang.

Trước đó, trong cuộc khủng hoảng năng lượng đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, các nhà máy sản xuất cồn được Chính phủ Mỹ trợ cấp và xăng pha cồn được dùng khá phổ biến trên thị trường. Sang thập kỷ 80, giá dầu lại giảm mạnh làm cho giá cồn cao hơn giá xăng nên một lần nữa nhiên liệu này lại bị đẩy lùi.

Từ năm 1990 đến nay, do giá dầu lại tăng liên tục trở lại nên cồn lại được đưa vào chương trình an ninh năng lượng Mỹ. Ba hãng sản xuất ôtô lớn nhất của Mỹ đã sản xuất các loại xe lưỡng tính, tức là có thể chạy bằng xăng thông thường đồng thời có thể chạy bằng cồn hoặc xăng pha cồn.

Các công ty Daimler Chrysler, Jeep và Dodge cho biết họ sẽ sản xuất 1/4 số xe hơi chạy cồn vào năm 2008. Hiện ba công ty này có 4,5 triệu xe chạy bằng cồn nhiên liệu. Mùa hè 2005, Quốc hội Mỹ yêu cầu tăng gấp đôi sản lượng cồn vào năm 2012, lên 7,5 tỷ gallon mỗi năm, từ mức 4 tỷ gallon hiện nay (1 gallon = 3,78 lít ).

Giá cồn năm 2005 là 1,35 USD/gallon, năm nay đã tăng lên 2,8 USD/ gallon và trong thời gian đó giá xăng cũng tăng từ 2,2 lên 3,5 USD/ gallon. Nước Mỹ có đất đai và khí hậu thuận lợi để sản xuất một lượng lớn cồn nhiên liệu từ cây ngô, góp phần hữu hiệu vào việc giảm nhẹ sự phụ thuộc ngày càng lớn vào dầu nhập khẩu.

Công nghiệp sản xuất cồn nhiên liệu cũng đang phát triển mạnh mẽ ở các nước châu Âu. Với mục tiêu giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, EU đặt mục tiêu đến năm 2010 các loại nhiên liệu sinh học sẽ chiếm 5,7 % tổng mức tiêu thụ nhiên liệu trong giao thông vận tải.

Giáo sư Tofield cho biết, nếu chuyển tất cả diện tích trồng cây cải dầu ở vương quốc Anh sang sản xuất cồn thì sẽ thay thế được 5% khối lượng xăng tiêu thụ ở Anh hiện nay, còn nếu chuyển sang trồng ngô thì con số này là 10%. Hiện British Sugar đã có một nhà máy sản xuất cồn ở Norfolk từ củ cải đường và nước Anh còn dự định xây dựng không ít hơn 15 nhà máy như thế trong thời gian tới.

Gần nước ta nhất là Thái-lan, một nước đã có chính sách sản xuất nhiên liệu sinh học từ 10 năm nay. Công ty PAT đã bán trên thị trường loại xăng pha cồn 10% với giá rẻ hơn so với xăng thông thường 3,3%.Từ năm 2002, Thái-lan đã xây dựng thêm bốn nhà máy sản xuất cồn, chi phí 2,7 tỷ bath/ nhà máy (64 triệu USD) nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu.

Hiện nay, Thái-lan sản xuất hai triệu lít cồn/ ngày từ mía và phế phẩm nông nghiệp, tiết kiệm cho nước này 10 tỷ bath/năm. Công ty Mỹ Ford Motor cũng đã ký hợp đồng với Chính phủ Thái-lan nhằm thử nghiệm dùng cồn cho xe tải Ranger.

Ở Trung Quốc, Chính phủ đang tăng cường hỗ trợ cho năng lượng sinh khối và hoạt động sản xuất cồn. Trong kế hoạch xã hội-kinh tế 5 năm lần thứ 11 (2006-2010) đã xác định rõ nhiệm vụ sản xuất nhiên liệu này cần tăng mạnh trong những năm tới.

Trong hội nghị tài chính quốc gia họp ở Triết Giang vào đầu tháng 6-2006, Thứ trưởng Tài chính nước này đã nhấn mạnh nhiệm vụ của Bộ là hỗ trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng nhiều loại năng lượng tái tạo. Bộ Tài chính và Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc đã xếp năng lượng sinh khối vào mục tiêu hỗ trợ số 1, bao gồm cồn, diesel sinh học và sản xuất điện từ năng lượng sinh khối.

Trung Quốc bắt đầu sản xuất cồn nhiên liệu từ 1990 thông qua sử dụng phế liệu ngũ cốc. Trong kế hoạch 2006-2010 Chính phủ đặt mục tiêu sản xuất sáu triệu tấn cồn, phục vụ cho vận tải trong các thành phố lớn trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân. Chi phí sản xuất cồn hiện nay vẫn ở mức cao, giá thành một tấn cồn là 4.500 Nhân dân tệ (563 USD) nếu sử dụng ngũ cốc cũ và khoảng 4.000 NDT nếu sử dụng kê, sắn làm nguyên liệu thô.

Như vậy, sản xuất cồn nhiên liệu chỉ mang lại lợi nhuận khi giá xăng trên 6 NDT/lít (12.000 VND). Hiện nay giá xăng đã cao hơn mức này. Hàng năm, Trung Quốc trợ cấp cho sản xuất cồn nhiên liệu 1,5 tỷ NDT và với khuynh hướng giá dầu còn tiếp tục cao trong dài hạn thì trợ cấp này sẽ giảm.

Vấn đề sản xuất cồn nhiên liệu ở Việt Nam cũng đã được đưa ra nghiên cứu từ nhiều năm trước nhưng đến nay hành lang pháp lý chưa có. Do đó, các công trình nghiên cứu đã được nghiệm thu không thể đưa vào ứng dụng.

Lẽ nào chúng ta chỉ nghĩ đến việc tăng giá xăng mỗi khi giá dầu trên thế giới tăng cao mà không đi tìm những giải pháp để giảm giá xăng cho người tiêu dùng? Hy vọng các nhà quản lý các cấp sẽ quan tâm nhiều hơn đến các kinh nghiệm của thế giới để cho nguồn cung xăng dầu của nước ta càng thêm phong phú.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

Xin chào
close nav
Danh mục
0909090953