Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Nhiên liệu sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nguyên liệu để sản xuất cồn ethanol rất đa dạng và được chia làm 3 nhóm nguyên liệu chính:
Nhóm nguyên liệu chứa tinh bột chủ yếu là cây lương thực gồm lúa, ngô, mía, sắn… Trong đó, ngô và sắn được sử dụng để sản xuất cồn ethanol nhiều nhất. Nhóm nguyên liệu chứa đường được sử dụng cho sản xuất cồn ethanol chủ yếu là mía, rỉ đường và củ cải đường.
Do sản xuất nhiên liệu sinh học từ nhóm nguyên liệu thế hệ thứ nhất gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực nên thế giới đang có xu hướng sử dụng nhóm nguyên liệu thế hệ thứ hai, bao gồm các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô, bã mía, trấu; phế thải gỗ; các loại cỏ ngắn ngày; các chất thải hữu cơ như rác thải thức ăn, rác thải sinh hoạt,…
Tiềm năng sản xuất ethanol từ nhóm nguyên liệu thế hệ thứ nhất
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong nhóm 4 loại nguyên liệu chứa tinh bột thì sản lượng ngô và mía chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, chỉ có lúa và sắn được xuất khẩu. Tuy nhiên, lúa là cây lương thực hàng đầu của Việt Nam, đồng thời Việt Nam còn cam kết góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới nên lúa gạo không được xem xét cân đối trong nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học.
Ngoài ra, Việt Nam còn có mật rỉ cũng có thể sử dụng sản xuất cồn. Lượng mật rỉ có thể được thu gom từ các nhà máy sản xuất đường với sản lượng khoảng 30-35% sản lượng đường sản xuất được. Giá mật rỉ hiện nay dao động từ 5.000-10.000 đồng/kg, cao hơn với giá sắn và hệ số chuyển đổi sang etanol thấp hơn sắn (1 tấn mật rỉ sản xuất được 0,18 tấn ethanol; 1 tấn sắn sản xuất được 0,33 tấn ethanol). Xét về giá thành và nguồn cung thì mật rỉ chưa thích hợp làm nguyên liệu cho sản xuất ethanol. Như vậy, sắn được coi là nguyên liệu tiềm năng nhất cho sản xuất cồn nhiên liệu tại Việt Nam.
Và nhóm nguyên liệu thế hệ thứ hai
Tại Việt Nam, nhóm nguyên liệu thế hệ thứ hai bao gồm các phụ phể phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bã mía, vỏ trấu, vỏ lạc, vỏ cà phê, thân ngô,… ; chất thải rừng gồm những nguyên liệu chứa gỗ như vỏ cây, thân cây,… ; chất thải rắn đô thị và các loại cỏ ngắn ngày. Theo khảo sát và đánh giá của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công nghiệp – Bộ Công Thương cho thấy, trữ lượng cồn nhiên liệu tiềm năng đi từ nguyên liệu thế hệ thứ hai của Việt Nam rất lớn, ước tính khoảng 10,9 tỷ lít. Trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là nguyên liệu từ phụ phế phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, do chi phí công nghệ chế biến còn cao, đặc biệt là khâu xử lý nguyên liệu ban đầu khá phức tạp, nguyên liệu khó thu gom, phân loại ở quy mô lớn nên khó ứng dụng để sản xuất cồn trong điều kiện hiện nay của Việt Nam.
Như vậy, trong khoảng 5-10 năm tới, sắn vẫn là nguyên liệu chủ lực cho sản xuất cồn nhiên liệu bởi sắn cho sản lượng lớn và đáp ứng được điều kiện cho sản xuất công nghiệp quy mô lớn. Trong khoảng xa hơn, từ sau năm 2020, khi công nghệ chế biến cồn nhiên liệu thế hệ thứ hai được thương mại hóa rộng rãi, cho giá thành sản phẩm cạnh tranh thì Việt Nam có thể xem xét sử dụng nguồn nguyên liệu này cho sản xuất cồn nhiên liệu.
Quy hoạch nguồn cung nguyên liệu sắn sản xuất cồn ethanol
Căn cứ vào sơ bộ quy hoạch nguồn nguyên liệu sắn đến năm 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì trong giai đoạn 2015-2025, sản lượng sắn tập trung chủ yếu ở 3 vùng là Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nên nguồn nguyên liệu sắn cho sản xuất cồn nhiên liệu sẽ được định hướng lấy từ 3 vùng trên.
Ngoài ra, trong trường hợp nguồn cung sắn trong nước có biến động thì sẽ xem xét phương án thu gom sắn hoặc hợp tác trồng sắn ở hai nước Lào và Campuchia là 2 quốc gia giáp Việt Nam và có diện tích đất đồi núi và đất dốc lớn, phù hợp với canh tác sắn. Tuy nhiên, phương án này chỉ để đảm bảo đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các dự án hiện đã được triển khai.
Sau năm 2020, khi công nghệ chế biến cồn nhiên liệu từ xenlulo được phát triển thì việc đưa nguyên liệu thế hai vào sản xuất cồn nhiên liệu tại Việt Nam có thể khả thi. Do đó, sau năm 2020, Việt Nam cần có chính sách cụ thể cho việc thu gom nguyên liệu thế hệ hai ở quy mô công suất lớn nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất cồn nhiên liệu.
Với bản quy hoạch này, có thể thấy nguồn cung sắn cho sản xuất cồn ethanol trong vài năm tới chưa phải là vấn đề lớn. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn lo ngoại rằng, khi Chính phủ quyết liệt áp dụng lộ trình xăng E5 thì có thể, các nhà máy sản xuất cồn ethanol khi hoạt động trở lại có thể gặp khó khăn về nguồn cung. Bởi thực tế là vào đầu năm 2009, giá sắn trên thị trường dao động khoảng 1.500-1.700 đ/kg, nhưng khi các nhà máy sản xuất ethanol đi vào hoạt động giá sắn đã tăng và luôn ở mức trên 3.500đ, thậm chí có thời điểm giá lên tới trên 5.000 đ/kg, trong khi giá sắn chiếm 60-70% giá thành sản xuất ethanol.
Tuy nhiên, điều này thực tế không làm các nhà sản xuất cồn ethanol quá lo lắng, bởi hiện nay giá sắn lát trên thị trường khá ổn định, thậm chí có xu hướng giảm do 2 thị trường chính là Hàn Quốc và Trung Quốc giảm thu mua. Tham khảo giá thị trường sắn ngày 24/3/2017 của Hiệp hội Sắn Việt Nam thì giá sắn nguyên liệu (trữ bột 30%) dao động từ 1.400-1.750 đ/kg tùy từng địa phương. Cao nhất là tại Tây Ninh, giá 1.750 đ/kg và thấp nhất là khu vực phía Bắc, giá mua xô chỉ khoảng hơn 1.400 đ/kg. Giá sắn lát FOB Quy Nhơn trên thị trường có giá 185 USD/tấn. Ngoài ra, giá tinh bột sắn dao động từ 320-345 USD/tấn, tùy nguồn.
Thực chất, việc giá sắn có lúc tăng đột biến cũng có nhiều nguyên nhân mà hoàn toàn có thể điều chỉnh được với sự hỗ trợ của chính sách. Hiện tại, mỗi năm Việt Nam vẫn xuất khẩu lượng lớn sắn ra nước ngoài, nên khi các nhà máy sản xuất ethanol hoạt động trở lại, lượng sắn đó sẽ đảm bảo cho các nhà máy trong nước hoạt động. Bản thân các nhà máy cũng nhận thức rằng, khi thị trường rộng mở, sản xuất ổn định thì việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu là việc cần phải làm. Bên cạnh đó là nghiên cứu, canh tác các giống sắn cho năng suất cao, nhằm đem lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Thậm chí, nếu làm tốt việc này, cây sắn có thể giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều nông dân sống ở những vùng đất khô cằn, khó canh tác cây lương thực. Nhưng việc đó cần có thời gian và lộ trình, bởi đây là việc làm rất tốn kém, cần số vốn đầu tư lớn, cần sự nghiên cứu cẩn trọng nên chắc chắn không thể làm ngay trong một sớm một chiều.
Theo: Báo Tạp Chí Công Thương
29/03/2017 lúc 14:04